NGÀNH GIÁO DỤC HUYỆN TIÊN LÃNG
NỖ LỰC, SÁNG TẠO TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018
Năm học 2023-2024 là năm học đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 4, lớp 8 và lớp 11 là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi căn bản, toàn diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Qua hơn 03 năm thực hiện, cùng với ngành giáo dục thành phố, vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu, ngành giáo dục huyện Tiên Lãng đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hiệu quả thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đây là năm học thứ 3 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó vươn lên, Giáo dục huyện Tiên Lãng đã có những bước chuyển biến tích cực, toàn diện ở tất cả cấp học. Các giáo viên đã nắm chắc phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo yêu cầu, linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đáp ứng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh theo quy định. Chất lượng dạy học đã có nhiều chuyển biến tích cực, học sinh chủ động linh hội những kiến thức, hình thành kỹ năng cơ bản; mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp và tích cực tham gia các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường; thêm nhiều kỹ năng từ các hoạt động thực hành, hoạt động trải nghiệm. Nội dung giáo dục địa phương vừa được tổ chức dạy học riêng vừa kết hợp lồng ghép trong các hoạt động trải nghiệm giúp học sinh thêm yêu quê hương đất nước.
Các đồng chí của Vụ GD trung học, Chủ biên SGK, lãnh đạo Sở GD, Phòng GDĐT trong buổi Hội thảo chuyên đề cấp thành phố tổ chức tại Tiên Lãng.
Với yêu cầu đổi mới của giáo dục, trong những năm học vừa qua, trường THCS Kiến Thiết đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đa dạng, linh hoạt các hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh. Học sinh được tham gia hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để rèn kỹ năng sống, tăng tính thực hành và gắn học tập với thực tiễn cuộc sống. Giáo viên được giao quyền chủ động, xây dựng nội dung kế hoạch môn học, lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh.
Đồng chí Vũ Thị Mai Hương- Hiệu trưởng trường THCS Kiến Thiết Báo cáo đề dẫn về thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại Hội thảo.
Để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều yếu tố, trong đó giáo viên được xác định đóng vai trò quan trọng nhất. Với sự thay đổi mục tiêu giảng dạy từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, đội ngũ cán bộ, giáo viên trường THCS Kiến Thiết đã không ngừng đổi mới phương pháp. Từ việc giảng dạy nội dung trong sách giáo khoa thông thường, đến việc cho học sinh tiếp cận nội dung một số bài học bằng những dự án, hoạt động trải nghiệm. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện từ lớp 6, 7 do đó học sinh khối lớp 8 không còn bỡ ngỡ với phương pháp dạy học mới, việc tổ chức các hoạt động trong giờ học cũng được thực hiện một cách nhuần nhuyễn, nền nếp hơn. Các thầy cô giáo đã khéo léo tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đồng thời tổ chức các hoạt động, mô hình giáo dục sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động học sinh nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp từ đó khơi gợi không khí hứng thú, sự chủ động nắm bắt kiến thức của học sinh.
Cô giáo Bủi Thị Hoài Thanh và các em học sinh lớp 8C1 trong tiết dạy môn Giáo dục công dân 8
Học sinh lớp 8C1 trường THCS Kiến Thiết thảo luận để hoàn thành sản phẩm học tập.
Học sinh trường THCS Kiến Thiết tự tin khi thực hiện nhiệm vụ học tập.
Nhằm hướng tới một xã hội học tập, học thật, thi thật và một nền giáo dục thực học, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo trường THCS Kiến Thiết đã và đang tích cực thay đổi, từ niềm đam mê với nghề, tình yêu và trách nhiệm với mỗi học trò. Mỗi bài giảng đều được bắt đầu từ trái tim người thầy. Chặng đường triển khai đổi mới giáo dục phổ thông vẫn còn ở phía trước với nhiều thử thách khó khăn. Để chương trình đạt hiệu quả cao, cần hơn nữa sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các các cấp, các ngành và địa phương, quan tâm hàng đầu cho giáo dục đào tạo, tháo gỡ khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội góp phần quan trọng thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà; để nói như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: “…Tất cả chúng ta hãy vững vàng tiến bước, vượt qua khó khăn, kiến tạo những giá trị mới mẻ và thiết thực cho thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước”.